
Nhớ về ngoại, tôi lại bùi ngùi thương căn nhà nhỏ của người. Nơi dù có đi bất cứ đâu, dù đặt chân đến bao nhiêu vùng đất mới đi chăng nữa thì tôi vẫn muốn trở về. Ở đó có gia đình, có người thân và có cả một khoảng trời tuổi thơ chẳng thể nào có lại được. Nơi đó tôi gọi bằng một cái tên thân thương “Nhà”.
Nhà ngoại nằm sâu trong một con ngõ nhỏ cách lộ lớn khá xa nhưng không vì thế mà nó bị lu mờ. Bởi trong xóm chỉ còn nhà ngoại là giữ được nét cổ xưa với mái ngói truyền thống và được đóng ván xung quanh. Trên đường đi học về, từ xa xa tôi đã thấy mái ngói đỏ tươi nằm lọt thỏm giữa những mái tôn, mái thái và thấp thoáng thấy bóng dáng ngoại lom com quét lá rụng trước sân.
Từ ngoài cổng nhìn vào, đó là gian nhà trên sang trọng và đẹp nhất. Đây là nơi con cháu tề tựu đông đủ những khi có công có buổi, các dịp lễ tết nên ngoại làm gian trên to, khang trang hơn nhiều.
Nhà ngoại có 4 cửa sổ, hai cửa có khung hướng ra ngoài sân đón nắng và 2 cửa còn lại được chống lên bằng gỗ hướng ra vườn cây ăn trái, vườn chè xanh tốt mướt mắt. Đây cũng là nơi mỗi khi rảnh tôi thường trầm tư và thả mình trôi theo dòng suy nghĩ riêng. Gỗ làm nhà cũng được bà chọn lựa kỹ lưỡng, mua từ nhiều nơi khác nhau để đảm bảo chất lượng, tránh mối mọt, dễ mục.
Vào mùa hè, gió luồn từ vườn sau ngang qua hiên chạy thẳng vào nhà mát rượi. Những ngày cuối năm trời chuyển đông, gió rít qua khe cửa lạnh buốt nhưng tôi thích. Thích được mặc vài ba lớp áo phao ngồi bên bếp củi vừa sưởi ấm vừa khơi than nướng vài củ khoai, củ mì nghe ngoại kể chuyện xưa thời còn kháng chiến. Tôi đã xúc động biết bao khi ngoại kể về những cơ cực, sự hy sinh để trở thành hậu phương vững chắc cho ông ngoại yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận.
Nối liền giữa nhà trên và nhà dưới là hai cái thềm rộng được tráng xi măng mát rượi. Nền nhà lâu năm được lau chùi mỗi ngày nên bóng loáng như gương. Trưa nào tôi cũng lau sạch sẽ và nằm lăn đánh một giấc trưa đẫy đà. Ở đây ngoại cũng kê một bộ bàn ghế gỗ nhỏ bạc màu để thưởng thức trà xanh và ngắm nhìn khung cảnh tĩnh mịch mỗi sáng sớm.
Nhà ngang hơi khác biệt hơn một chút so với gian trên. Vì là kho để lúa, cà phê nên ngoại chọn gạch tàu xưa không hoa văn, màu nâu đỏ để lát nền vừa sạch, lại hút ẩm, dễ vệ sinh. Trong nhà ngoại đặt bộ bàn ghế gỗ có tay tựa uốn lượn đã ngồi nhiều đến tróc sơn, láng mịn cả ghế đối diện chiếc tivi thùng đã cũ để ngồi xem cho tiện.
Ngoài ra ông ngoại còn có kệ riêng trưng bày máy cassette, radio và cả đầu băng. Cứ mỗi lần chiếu, tôi lỡ bỏ qua hoặc muốn xem lại thì phải lấy một cái tay quay nhỏ bằng nhựa để tua lại. Những món đồ bây giờ có tiền cũng khó có thể tìm mua được.
Tôi thích nhất là góc bếp của ngoại. Tuy chỉ có vài mét vuông nhưng chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm, nơi đó còn có một đồ vật cổ từ xưa đến giờ.
Ngoại vẫn giữ thói quen nấu bếp củi truyền thống mặc dù đã có bếp gas đầy đủ. Ngoài việc món ăn ngon hơn thì khi nấu khói bếp bay lên sẽ hong chắc những thanh kèo, thanh cột để ngôi nhà thêm vững chắc.
Chắc chắn tôi phải kể đến cái gạc-măng-rê hay cái chạn chén được làm bằng gỗ có từ thời bao cấp. Nó có 4 chân và nhô lên khỏi mặt đất. Chạn gồm 3 tầng được sử dụng để cất trữ thực phẩm, các loại đồ dùng trong nấu ăn và để úp chén bát cho ráo nước. Để chống kiến bò, ngoại đã lồng 4 cái chén vào 4 chân và đổ dầu hôi vào bên trong.
Ngày bé tôi thấy nhà ngoại cũng bình thường như bao nhà khác nhưng giờ đây với tôi nhà luôn là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng và có giá trị. Chỉ tiếc rằng vì cuộc sống, tôi đã không còn nhiều cơ hội được gần ngoại, gần ngôi nhà mà tôi đã dành trọn vẹn tình yêu thương.